Skip to main content

Doanh nghiệp bưu chính chỉ nên làm giao nhận cho TMĐT

ICTnews - Các doanh nghiệp bưu chính nên tập trung đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dịch vụ giao nhận - chuyển phát để trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại thị trường Việt Nam, thay vì đa dạng hóa kinh doanh

Ông Cát Văn Khôi, Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên ICTNews về chủ đề doanh nghiệp bưu chính có nên đầu tư thêm để kinh doanh trọn gói thương mại điện tử hay không?


Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng, khâu giao hàng và thu tiền đang là điểm yếu của các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Sự phát triển của thương mại điện tử không thể tách rời hai mắt xích rất quan trọng là giao nhận và thanh toán. Người mua và người bán có thể tiến hành giao kết hợp đồng trực tuyến nhưng nếu đối tượng mua bán là sản phẩm hàng hóa hữu hình như ô tô, tivi, điện thoại di động, sách… thì bắt buộc phải có hoạt động phi trực tuyến là chuyển hàng từ người bán tới người mua.
Trong khi các giao dịch trực tuyến ở nước ta phát triển nhanh thì khâu giao nhận còn chưa theo kịp sự phát triển. Chẳng hạn, nhiều khách hàng ở vùng sâu vùng xa tiếp cận được với Internet và có thể mua hàng trực tuyến nhưng chi phí giao hàng tới họ còn cao. Ngay ở các thành phố lớn nhiều doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cũng từ chối giao hàng tới tay khách hàng nếu giá trị đơn hàng thấp.
Như vậy, hiện đại hóa hệ thống giao nhận có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển thương mại điện tử và các doanh nghiệp bưu chính có nhiều tiềm năng tham gia thị trường này.
Theo ông, để “gỡ nút thắt” vừa nêu thì các hãng thương mại điện tử và các doanh nghiệp bưu chính cần phải tìm một hướng hợp tác thế nào?
Trong kinh doanh các doanh nghiệp cần giảm chi phí và nâng cao năng suất. Để đạt được mục tiêu đó các doanh nghiệp cần chuyên môn hóa, tập trung vào các hoạt động doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và thuê các doanh nghiệp khác triển khai một số hoạt động nhất định. Trong khi các doanh nghiệp thương mại điện tử ưu tiên đầu tư vào các khâu tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng… họ có thể hợp tác với các doanh nghiệp bưu chính trong khâu giao nhận. Triển khai theo hướng này hai bên sẽ cùng có lợi.
Rõ ràng là chúng ta cần có những doanh nghiệp chuyển phát quy mô lớn phục vụ nhu cầu chung của xã hội cũng như của các công ty thương mại điện tử. Tại những thời điểm cụ thể một số doanh nghiệp chuyển phát có thể lập bộ phận riêng chuyên phục vụ mảng thương mại điện tử. Về tổng thể, thị trường chuyển phát cần có những doanh nghiệp quy mô lớn và hiện đại, hoạt động trên phạm vi toàn quốc và đáp ứng nhu cầu chuyển phát của đông đảo khách hàng.
Theo thông tin của chúng tôi, có những hãng bán hàng trực tuyến rất lớn của nước ngoài quan tâm tới việc kinh doanh tại Việt Nam, nhưng sau khi tìm hiểu họ thấy hệ thống chuyển phát của ta chưa đủ khả năng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình nên chưa quyết định đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Ngoài việc chuyên đảm nhận khâu giao hàng và thu tiền, nhiều doanh nghiệp bưu chính lại muốn tự đầu tư và kinh doanh trọn gói trong quy trình thương mại điện tử. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp bưu chính trong lĩnh vực mới này?
Thương mại điện tử đã làm thay đổi cấu trúc nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Chẳng hạn nhiều hãng hàng không trước đây không triển khai hoạt động bán vé trực tiếp tới hành khách nay đã xây dựng website bán vé trực tuyến. Hay nhiều công ty du lịch trực tuyến không có bất cứ hạ tầng nào về khách sạn, nhà hàng và lữ hành đã kinh doanh thành công. Xu hướng này cũng có thể xuất hiện trong lĩnh vực bưu chính: một số doanh nghiệp bưu chính có thể mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử để bán hàng hóa, ngược lại một số doanh nghiệp thương mại điện tử cũng có thể mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực logistics.
Chúng ta thấy rằng lợi thế của việc bán hàng trực tuyến là có thể tiếp cận khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Một website thương mại điện tử có thể bán hàng cho khách hàng ở khắp nơi trên cả nước, đó là chúng ta chưa đề cập tới thị trường quốc tế. Quản lý một website thương mại điện tử lớn rất phức tạp và đòi hỏi sự chuyên môn hóa cao. Một doanh nghiệp bưu chính có thể có lợi thế trong khâu chuyển phát, nhưng điều này chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn cho kinh doanh trực tuyến thành công. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp bưu chính nào hiện nay cũng có tầm hoạt động hiệu quả khắp cả nước, nếu xây dựng website bán hàng mà chỉ giới hạn phạm vi chuyển phát ở một địa phương nhất định thì sẽ không hiệu quả.
Mỗi doanh nghiệp bưu chính cần phải cân nhắc kỹ các lợi thế cạnh tranh trước khi quyết định có nên mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử hay tiếp tục đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực bưu chính của mình. Nếu họ muốn vận hành website thương mại điện tử thì một giải pháp hợp lý là họ nên tham gia vào các công ty cổ phần thương mại điện tử và đảm nhiệm khâu chuyển phát.
Có  ý kiến cho rằng với thế mạnh về vận chuyển và thu tiền, một số doanh nghiệp bưu chính lớn như ViettelPost và VNPost nên đầu tư bằng cách góp vốn hoặc mua lại những website thương mại điện tử đang hoạt động, hơn là chỉ  làm thuê cho doanh nghiệp thương mại điện tử như hiện nay. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không?
Như tôi đã nêu ở trên, không có liều thuốc chung cho mọi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và thành công nhưng cũng có doanh nghiệp thất bại. Chúng ta cần tham khảo kỹ các điển hình thành công trên thế giới khi các doanh nghiệp chuyển phát mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bán hàng trực tuyến. Chẳng hạn, những hãng chuyển phát như DHL hay UPS có trực tiếp vận hành các website thương mại điện tử lớn không?
Thương mại điện tử không chỉ gắn chặt với chuyển phát và thanh toán mà còn gắn chặt với công nghệ thông tin và Internet. Nếu cho rằng các công ty chuyển phát có lợi thế lớn khi trực tiếp kinh doanh thương mại điện tử thì lập luận này cũng không sai đối với trường hợp các công ty trên. Nhưng thực tế cho thấy có những công ty công nghệ thông tin và Internet ở nước ta đã không thành công khi mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bán hàng trực tuyến.
Trừ những trường hợp đặc biệt, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp chuyển phát nên tập trung đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dịch vụ chuyển phát để trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại thị trường Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội cũng như của các doanh nghiệp thương mại điện tử bán hàng trực tuyến.
Bài học từ sự đa dạng hóa kinh doanh của nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam những năm qua là rất quý đối với các doanh nghiệp chuyển phát muốn mở rộng kinh doanh sang bán hàng trực tuyến.
Tại Trung Quốc, công ty Alibaba đã mua hẳn một công ty bưu chính để đảm bảo hiệu quả cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình. Liệu cậu chuyện này có khả năng xảy ra ở Việt Nam hay không?
Trong kinh doanh không có công thức chung cho mọi doanh nghiệp và bài học của Alibaba ở Trung Quốc chưa chắc đã áp dụng thành công ở Việt Nam. Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2012 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện, chúng ta thấy rằng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh và ngày càng nhiều doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử. Nhưng hiện nay cũng như trong vài năm tới ở Việt Namkhó có doanh nghiệp thương mại điện tử với quy mô lớn tương tự như Alibaba. Trong bối cảnh đó, chúng ta hy vọng các công ty thương mại điện tử và bưu chính ở Việt Nam sẽ có các bước đi hợp lý theo hướng hợp tác, liên doanh liên kết cùng phát triển.
Cảm ơn ông!
(Thực hiện)
Theo ICTNnews: http://ictnews.vn/buu-chinh/doanh-nghiep-buu-chinh-chi-nen-lam-giao-nhan-cho-tmdt-109570.ict

Comments

Popular posts from this blog

Thế kỷ mới là thế kỷ của thương mại điện tử

Thực sự, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là thế kỷ tương lai. Andy Grove, tổng giám đốc Intel đã từng tuyên bố chắc nịch: "Trong năm năm tới, tất cả các doanh nghiệp sẽ là các doanh nghiệp trực tuyến ". Tốc độ, chi phí thấp và khả năng truy nhập tới Internet làm cho TMĐT trở thành cơ hội mới cho tất cả các doanh nghiệp tương lai. TMĐT sẽ giảm đáng kể chi phí chung, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ, đảm bảo thanh toán dễ dàng hơn và làm giảm rủi ro đầu tư nội tại . đây chính là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà con người ở đầu thế kỷ này cần hiểu rõ. Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, một bước ngoặt của nền văn minh. Đứng trước nền văn minh và tích lũy của sự hiểu biết của chúng ta về TMĐT sẽ đưa chúng ta tiến gần hơn tới làn sóng văn minh mới này. Công việc của bạn sẽ liên quan đến TMĐT trong suốt cuộc đời bạn. Nếu bạn hiểu nó trước, bạn sẽ là người đi tiên phong trong mọi việc. Bạn sẽ làm chủ những bí q

Internet Banking & Payment Online in Vietnam

Bạn muốn tiếp nhận vốn để phát triển các ý tưởng, dự án online ?

Thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế cho đất nước .  Từ 2005 nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Với thế mạnh về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm các quỹ đầu tư mạo hiểm đã mang đến làn gió mới cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phát triển cả về quy mô và tốc độ. Các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động tích cực và đầu tư vào nhiều công ty thương mại điện tử ở Việt Nam như: IDG Ventures Vietnam (IDGVV); Cyber Agent Ventures Ngày 21.12.2012 đại diện VECOM làm việc với IDG Team (IDGVV) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử, hỗ trợ cộng đồng thương mại điện tử Việt Nam: Hai bên đã ghi nhớ về việc triển khai các sự kiện, tổ chức các buổi gặp gỡ giúp doanh nghiệp,cá nhân có ý tưởng về thương mại điện tử có cơ hội trình bày ý tưởng, dự án cũn